Trong buổi làm việc giữa Tổng cục Lâm nghiệp và UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây, Tổng cục đã thông tin, từ đầu năm đến nay tại Vườn Quốc gia Yok Đôn có gần 600 gốc cây bị đốn hạ; nạn chặt phá, vận chuyển và chống người thi hành công vụ có chiều hướng “bùng phát” như các năm trước đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn Đỗ Quang Tùng cho hay, theo quy định, trong khuôn viên Vườn nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác lâm sản phụ, chăn nuôi gia súc và canh tác nương rẫy, nhưng hiện nay có khoảng 1 nghìn con trâu, bò đang được chăn thả trong vườn. Mỗi ngày có khoảng 500 người ra vào rừng, trong vùng lõi còn có buôn Đrăng Phốk với hàng trăm hộ sinh sống. Đó là điều kiện cho những người khai thác gỗ, lâm tặc, đầu nậu trà trộn ra vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài khiến tình hình khu vực này vô cùng phức tạp. Một nguyên nhân quan trọng khác là từ năm 2013 đến nay, Nhà nước có chủ trương cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam, thuộc khu vực vành đai biên giới do Đồn biên phòng 747 (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) quản lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng trục vớt, tận thu gỗ trôi dạt không đúng quy trình, quy định, có biểu hiện lợi dụng việc trục vớt gỗ để hợp thức hóa gỗ khai thác, vận chuyển trái phép ra ngoài… Theo Phó Cục trưởng Cục kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện, đầu tháng 9-2015, Vườn Quốc gia Yok Đôn và Chi cục kiểm lâm vùng 4 đã phát hiện điểm tập kết gỗ dưới lòng suối cạn phía bờ Việt Nam, cách đồn biên phòng 747 khoảng 1 km, qua đó cho thấy đã và đang xuất hiện nhiều điểm, tụ điểm hoạt động vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nghiêm trọng tại khu vực cần được ngăn chặn sớm.
Cũng tại buổi làm việc trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho rằng, chủ trương cho trục vớt gỗ trôi dạt là kẽ hở để lâm tặc, đầu nậu lợi dụng. Đây là “bùa hộ mệnh” để lâm tặc hợp thức hóa gỗ khai thác trái phép khu vực biên giới đưa ra ngoài tiêu thụ, càng khiến nạn phá rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn và giáp biên giới nhiều năm nay không giảm. Ngoài ra còn có nguyên nhân do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, bởi “Cây gỗ chứ đâu phải cây kim sợi chỉ mà dễ giấu, dễ lọt, muốn đưa gỗ từ rừng ra phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm, đồn biên phòng vậy mà xe gỗ vẫn ào ào chạy ra tỉnh lộ, quốc lộ là cớ làm sao” – ông Y Dhăm Ênuôl thắc mắc!
Chính vì sự buông lỏng quản lý nên dẫn đến hàng nghìn mét khối gỗ được khai thác, vận chuyển, tập kết tại địa phương mà địa phương không hay biết(!). Đơn cử như vừa qua, Bộ Công an đã bắt một xưởng gỗ chứa hàng nghìn khối gỗ ngay tại TP. Buôn Ma Thuột mà địa phương cũng chẳng hay. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, để công tác bảo vệ rừng khu vực dọc biên giới đạt hiệu quả thì giữa lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đồng thời cần có chính sách bảo đảm sinh kế cho người dân khu vực này thì mới có thể hạn chế nạn chặt phá rừng.