I/. Sét và tác hại của xung sét lan truyền.
Sét là hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện vào những mùa giông bão. Theo ước tính của các nhà chuyên môn, trên thế giới cứ mỗi giây có khoảng 40-50 cú sét đánh xuống mặt đất tương đương khoảng 1,4 tỷ tia sét xuất hiện mỗi năm. Sét không những gây thương vong cho con người, mà còn có thể phá hủy các công trình, các thiết bị điện, điện tử … và làm gián đoạn công việc như hoạt động hàng không, hoạt động của ngân hàng, hàng hải, các hoạt động của đài truyền thanh truyền hình, các hệ thống thông tin liên lạc...
Chính vì vậy việc trang bị các thiết bị chống sét là một việc cần thiết và phải làm ngay, bên cạnh đó việc xác định vị trí để lắp đặt thiết bị chống sét để đạt được hiệu quả tối đa cũng là công tác quan trọng cần chú ý. Sự cân đối phải được xác định giữa việc lắp đặt thiết bị chống sét (Surge device protections – SPDs) cho các tủ phân phối/ “ngõ vào điểm sử dụng – point of use” và cho các thiết bị điện, điện tử nhạy cảm
II/. Vị trí lắp đặt thiết bị chống sét lan truyền
Sau đây là 5 điểm cần lưu ý khi xác định vị trí lắp đặt và lựa chọn thiết bị chống sét để tối ưu hóa sự đầu tư trong việc bảo vệ chống sét:
1. Tầng bảo vệ thứ nhất (tầng cắt sét sơ cấp): lắp đặt một thiết bị chống sét thích hợp tại ngõ vào của công trình cần bảo vệ cho các thiết bị. Đây thường là thiết bị có khả năng cắt sét lớn nhất, vì nó có thể phải chịu dòng sét trực tiếp đánh vào. Thông thường khả năng cắt sét được yêu cầu là ≥ 100kA 8/20µs. Một mình thiết bị chống sét sơ cấp thường thích hợp để bảo vệ cho các thiết bị điện cơ/thiết bị điện không dễ bị hư hỏng như lò sưởi, đèn chiếu sáng và các động cơ.
2. Đối với thiết bị điện, điện tử nhạy cảm, tầng bảo vệ thứ 2 (tầng cắt sét thứ cấp) nên được lắp đặt để làm giảm điện áp dư (điện áp thông qua). Nói chung, điều này được áp dụng để lựa chọn thiết bị tại các nhánh của tủ phân phối. Những thiết bị tại tầng thứ 2 này cũng phải đáp ứng bảo vệ thiết bị mạch nhánh từ các xung đột biến được sinh ra trong nội bộ mạch từ chính các thiết bị trong mạch đó như các thiết bị đóng cắt, thiết bị gây nhiễu xung…. Xung này chiếm 70-85% các xung có thể gây nguy hại cho thiết bị điện, điện tử nhạy cảm.
· Đối với các thiết bị điện tử nhạy cảm yêu cầu bảo vệ cao. Thiết bị chống sét ở tầng này nên sử dụng thiết bị cắt lọc sét mắc nối tiếp phía trước thiết bị cần bảo vệ bao gồm tầng cắt sơ cấp + bộ lọc thông thấp LC + tầng cắt sét thứ cấp
3. Những mạch có các thiết bị điện gây nhiễu như biến tần và thiết bị công nghiệp cũng nên được bảo vệ để tránh nhiễu điện (hay nhiễu hài) cấp ngược trở lại làm các thiết bị ở các mạch khác bị hư hỏng.
4. Trường hợp thiết bị điện tử nhạy cảm có vị trí xa hơn 30’ tương đương 9m từ thiết bị chống sét - SPD phía trước gần nhất, thiết bị bảo vệ bổ sung cần được lắp đặt. Thiết bị này được gọi là thiết bị bảo vệ “ngõ vào điểm sử dụng” và được lắp đặt gần thiết bị điện, điện tử nhạy cảm nhất có thể
5. Điện áp dư của thiết bị chống sét là điện áp còn lại sau khi thiết bị chống sét chịu tác động của xung sét, xung đột biến, điện áp này càng nhỏ càng tốt.
· Điện áp dư # điện áp bảo vệ # điện áp thông qua: Voltage protection level # Let-through voltage (Up).